Làn sóng dịch bệnh ở Ấn Độ buộc nhiều quốc gia phải chuyển sang mua vaccine Covid-19 của Trung Quốc dù sản phẩm "Made in China" gây lo ngại về chất lượng.
Theo Bloomberg, khi làn sóng Covid-19 thứ hai càn quét Ấn Độ và đe dọa nguồn cung vaccine của đất nước 1,36 tỷ dân, thế giới ngày càng phụ thuộc vào vaccine Trung Quốc.
Trong những tuần qua, lãnh đạo của một số quốc gia đông dân đã tìm cách mua thêm vaccine ngừa Covid-19 từ Trung Quốc, bất chấp những lo ngại về tính hiệu quả của chúng.
Nhu cầu dự kiến sẽ tăng cao hơn khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vaccine do Sinopharm Group Co. Ltd. của Trung Quốc sản xuât vào danh sách sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp.
Như vậy, những nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh có thể tiếp cận chúng thông qua COVAX - chương trình do WHO khởi xướng nhằm bảo đảm tiếp cận công bằng trên toàn cầu đối với các loại vaccine ngừa Covid-19.
"Trung Quốc không chỉ trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất. Ở nhiều quốc gia, Trung Quốc đã là duy nhất", ông Yanzhong Huang, chuyên gia sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, bình luận.
Thế giới ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Sự phụ thuộc đáng lo ngại
Mỹ và các nước Liên minh châu Âu (EU) đã đối phó chậm với đại dịch toàn cầu. Trong khi đó, làn sóng Covid-19 hoành hành dữ dội ở Ấn Độ, Brazil và nhiều nơi khác. Cuộc khủng hoảng tại Ấn Độ làm cạn kiệt nguồn cung vaccine ngừa Covid-19, buộc nhiều nước phải chuyển sang mua của Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, Mỹ bị chỉ trích vì tích trữ vaccine để đẩy mạnh tiêm chủng trong nước suốt nhiều tháng qua. Theo Bloomberg, cái giá phải trả là sự ảnh hưởng trên toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây khẳng định Mỹ sẽ "bắt đầu đóng một vai trò tích cực hơn". Hôm 5/5, Washington tuyên bố ủng hộ bỏ bằng sách chế vaccine Covid-19 để tăng nguồn cung.
Tuy nhiên, những quốc gia từ Uruguay, Senegal đến Indonesia có rất ít lựa chọn ngoài Trung Quốc. Và Bắc Kinh đang tận dụng tối đa điều đó. Trung Quốc đã giao khoảng 240 triệu liều vaccine, nhiều hơn tất cả quốc gia khác cộng lại, và cam kết cung cấp thêm 500 triệu liều nữa.
WHO đang xem xét vaccine ngừa Covid-19 của Trung Quốc. Trước đó, chương trình COVAX của WHO chủ yếu dựa vào Viện Huyết thanh của Ấn Độ.Ấn Độ - nhà cung cấp vaccine lớn thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và EU - đã xuất khẩu 67 triệu liều vaccine đến 100 quốc gia. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch mới đây khiến đất nước phải hoãn việc giao hàng trong những tuần qua.
COVAX đã giao hơn 50 triệu liều vaccine tới 121 quốc gia và vùng lãnh thổ, chỉ bằng 20% so với những gì Mỹ làm được trong nước. Tình hình có thể thay đổi hoàn toàn nếu WHO cấp phép cho vaccine của Trung Quốc, từ đó tăng nguồn cung.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại về tác động tiềm ẩn đối với sức khỏe cộng đồng nếu triển khai tiêm chủng rộng rãi vaccine của Trung Quốc. Những loại vaccine này được chứng minh kém hiệu quả so với các vaccine Pfizer và Moderna.
Ngay cả người dân Trung Quốc cũng không hào hứng với vaccine "cây nhà lá vườn". Nguyên nhân là quá ít dữ liệu về quá trình thử nghiệm và nhiều người ưa chuộng vaccine phương Tây hơn.
Theo phó giáo sư Nicholas Thomas tại City University of Hong Kong, ngay cả khi WHO phê duyệt vaccine của Trung Quốc, vị thế của Bắc Kinh cũng dễ dàng bị lung lay sau khi các quốc gia phương Tây tăng nguồn cung vaccine của họ.
Chớp thời cơ
Đó là lý do khiến Trung Quốc vội vàng nắm bắt cơ hội ngay khi có thể. Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nói với các đối tác Nam Á rằng Trung Quốc sẽ cung cấp vaccine cho những quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung ở Ấn Độ.
Tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố phản đối “chủ nghĩa dân tộc về vaccine” trong cuộc gọi với nhà lãnh đạo Indonesia Joko Widod. Indonesia sau đó có thêm 15 triệu liều vaccine của Sinovac.
"Hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ đẩy Indonesia vào thế ngày càng phụ thuộc nguồn cung vaccine Trung Quốc", ông Pandu Riono tại Đại học Indonesia nhận xét.
Philippines không thể nhận vaccine từ Ấn Độ ngay vào thời điểm đất nước đang xung đột với Trung Quốc về vấn đề lãnh thổ. Tuần này, Tổng thống Rodrigo Duterte đã quở trách nhà ngoại giao hàng đầu của đất nước vì một dòng tweet có nội dung tố cáo Bắc Kinh.
Trong khi đó, chính quyền của ông Duterte đang đàm phán với Sinovac để nhận 4 triệu liều vaccine mỗi tháng.
Nhiều nước phải chuyển sang mua của Trung Quốc ngay cả khi nghi ngại về chất lượng. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, nhiều quốc gia vẫn lo ngại về chất lượng vaccine của Trung Quốc. Một nghiên cứu hồi tháng 4 của chính phủ Chile chỉ ra vaccine Sinovac chỉ đạt hiệu quả 67% trong việc ngăn nhiễm Covid-19 có triệu chứng. Trong khi đó, tại Israel, hiệu quả ngăn ngừa Covid-19 của vaccine Pfizer đạt đến 92%.
Theo một quan chức Bộ Ngoại giao Ấn Độ, đất nước tự tin có thể tăng cường nguồn cung trở lại trong vài tháng tới sau khi kiểm soát đợt bùng phát mới.
"Chính phủ nhận thấy Trung Quốc đang cố trục lợi từ cuộc khủng hoảng của Ấn Độ, nhưng tin rằng các quốc gia khác có thể thông cảm cho tình trạng khó khăn của đất nước", vị quan chức nói thêm.
Trong khi đó, từ Pakistan, Brazil đến châu Phi, nhiều người vẫn thiếu tin tưởng vào vaccine Trung Quốc. "Tôi sẽ quan sát những người đã được tiêm chủng. Tôi không muốn trở thành chuột bạch khi chưa biết kết quả", cô Passmore Mwanza, một công nhân 29 tuổi ở Zimbabwe, chia sẻ.
Đăng nhận xét